Solution Architect Roadmap: Lộ trình chi tiết từ A đến Z

Hành trình trở thành một Solution Architect chuyên nghiệp đòi hỏi sự kết hợp giữa kiến thức nền tảng vững chắc về IT, kinh nghiệm thực tế đa dạng và các kỹ năng mềm cần thiết. ITviec sẽ cung cấp cho bạn một lộ trình Solution Architect roadmap chi tiết từ A đến Z, giúp bạn từng bước chinh phục con đường trở thành một Solution Architect chuyên nghiệp.

Đọc bài viết để hiểu rõ các thông tin:

  • Vai trò của Solution Architect;
  • Lộ trình Solution Architect roadmap chi tiết;
  • Lộ trình thăng tiến và mức lương của Solution Architect;
  • Các khóa học phát triển kỹ năng Solution Architect.

Hiểu rõ vai trò của Solution Architect

Trong hầu hết trường hợp, trách nhiệm của Solution Architect xoay quanh việc đảm bảo các giải pháp phần mềm phù hợp với kiến ​​trúc doanh nghiệp hiện tại, dựa trên nguồn lực, kế hoạch, quan điểm kỹ thuật, kinh doanh, người dùng, nhận diện và quản lý rủi ro của doanh nghiệp. 

Do đó, Solution Architect cần nắm bắt cách sản phẩm và dịch vụ hoạt động trong kiến ​​trúc giải pháp, nhằm tìm cách cân bằng giữa yêu cầu kinh doanh và các ràng buộc kỹ thuật để đưa ra giải pháp tối ưu.

Cụ thể các công việc cơ bản của một Solution Architect là:

  • Phân tích tác động kinh doanh mà một số lựa chọn kỹ thuật có thể gây ra.
  • Tạo ra kiến ​​trúc toàn diện cho giải pháp phần mềm và đưa ra định hướng chiến lược trong suốt quá trình phát triển. 
  • Tạo và dẫn dắt quá trình tích hợp các hệ thống công nghệ thông tin để đáp ứng các yêu cầu của tổ chức.
  • Xây dựng các tiêu chuẩn, nguyên tắc kiến trúc và đảm bảo tuân thủ trong tổ chức.
  • Hợp tác với tất cả các nhóm tham gia vào quá trình phát triển để cải thiện kiến ​​trúc. 
  • Đưa ra hướng giải quyết các vấn đề kỹ thuật khi có phát sinh.
  • Cập nhật cho các bên liên quan về tình trạng của quy trình phát triển sản phẩm, mọi vấn đề liên quan kiến trúc cũng như ngân sách.
  • Giám sát việc cung cấp thành công một sản phẩm cuối chất lượng cho người dùng cuối.
  • Đánh giá các hạn chế của dự án để tìm giải pháp thay thế, giảm thiểu rủi ro và thực hiện tái thiết kế quy trình nếu cần. 
  • Liên tục nghiên cứu các công nghệ mới và đề xuất thay đổi kiến ​​trúc hiện có nếu cần.

Đọc thêm: Solution Architect là gì? Công việc, mức lương và kỹ năng cần có

Lộ trình Solution Architect roadmap chi tiết cho người mới

Solution Architect là một trong những vị trí IT yêu cầu bộ kỹ năng đa dạng nhất. Để đáp ứng đúng kỳ vọng tuyển dụng và trở thành nhân sự được săn đón, bạn cần theo đuổi một lộ trình phát triển bài bản – từ nền tảng kỹ thuật đến tư duy thiết kế hệ thống, rồi mới đến kinh nghiệm thực chiến.

Chuẩn bị học vấn và nền tảng kỹ thuật vững chắc

Đối với vị trí Solution Architect, nhà tuyển dụng thường ưu tiên bằng cử nhân về khoa học máy tính, công nghệ thông tin, kỹ thuật phần mềm hoặc lĩnh vực liên quan. Bạn cũng có thể cân nhắc học thêm bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA) chuyên ngành hệ thống thông tin để có tư duy toàn diện về cả kỹ thuật lẫn chiến lược kinh doanh. 

Bên cạnh bằng cấp, bạn cần tập trung củng cố các kỹ năng nền tảng như:

  • Ngôn ngữ lập trình: Thành thạo ít nhất một, lý tưởng nhất là nhiều ngôn ngữ phổ biến như Java, Python, JavaScript/TypeScript, Go, Ruby, Kotlin, Scala, C#…
  • Framework & Library: Biết cách sử dụng các công cụ hiện đại như Spring, .NET, PyTorch, Apache Kafka, Angular, React, Next.js, Scikit-learn, Pandas, Flutter, TensorFlow, Docker, Kubernetes…
  • Phương pháp phát triển phần mềm: Am hiểu sâu sắc quy trình phát triển phần mềm, đặc biệt là Agile và Scrum để phối hợp hiệu quả trong các team đa chức năng và tạo nên một hệ thống hiệu quả.

Phát triển các kỹ năng chuyên sâu về kiến trúc phần mềm

Các kỹ năng quan trọng của một Solution Architect bao gồm: Thiết kế hệ thống và các mẫu kiến ​​trúc; Tool và framework của Master Essentials; Kỹ thuật phần mềm; Phương pháp DevOps.

Hiểu về thiết kế hệ thống và các mẫu kiến ​​trúc

  • Làm quen với các mô hình kiến ​​trúc phổ biến như Model-View-Controller (MVC) và Microservices Architecture. 
  • Hiểu các mẫu thiết kế phần mềm như Factory, Singleton, Observer hay SOLID. Các mô hình này cung cấp giải pháp đã được chứng minh cho các thách thức thiết kế phổ biến, giúp Solution Architect xây dựng hệ thống có khả năng mở rộng và linh hoạt.
  • Hiểu về hệ thống phân tán, hiểu các khái niệm như khả năng mở rộng và độ tin cậy để thiết kế phần mềm có thể xử lý nhu cầu ngày càng tăng và cung cấp hiệu suất nhất quán.

Biết cách sử dụng công cụ và framework của Master Essentials

  • Công cụ Modeling và Diagramming: Sử dụng các công cụ tiêu chuẩn như UML hoặc các tùy chọn dựa trên mã như PlantUML để trực quan hóa kiến ​​trúc hệ thống và tạo điều kiện giao tiếp rõ ràng.
  • Hệ thống kiểm soát phiên bản: Sử dụng hệ thống kiểm soát phiên bản như Git để quản lý các thay đổi, cho phép cộng tác và theo dõi sự phát triển của kiến ​​trúc hệ thống.
  • Công cụ thiết kế API: Tận dụng các công cụ như Swagger hoặc OpenAPI để lập tài liệu và thiết kế các API rõ ràng, nhất quán giúp tương tác hệ thống liền mạch.
  • Công cụ quản lý dự án: Thành thạo các công cụ như Jira, Confluence, Trello để theo dõi tiến độ và quản lý tài liệu dự án.

Đọc thêm: Jira là gì? Hướng dẫn sử dụng Jira Software chi tiết A – Z bằng hình ảnh

Nắm vững kỹ thuật phần mềm hiện đại

Solution Architect cần phải tạo ra mã chất lượng cao, do đó bạn cần nắm vững các phương pháp tối ưu nhất trong kỹ thuật phần mềm như: unit testing, thẩm định mã (code review) và tuân thủ các nguyên tắc mã sạch (clean code principle). Các phương pháp này không chỉ nâng cao chất lượng và khả năng bảo trì của mã, mà còn giảm thiểu technical debt và thúc đẩy các chu kỳ phát triển mượt mà hơn.

Bên cạnh đó, áp dụng tự động hóa với CI/CD pipeline cũng là một yếu tố nền tảng của kỹ thuật phần mềm hiện đại. CI/CD cho phép tích hợp mã thường xuyên, kiểm thử tự động và triển khai nhanh chóng, từ đó giúp tăng tốc quá trình phát triển và đảm bảo việc phân phối các bản cập nhật hay tính năng mới luôn diễn ra trơn tru, nhất quán và đáng tin cậy.

Học phương pháp DevOps

Một Solution Architect hiện đại cần tư duy DevOps và tận dụng các công cụ phù hợp để rút ngắn vòng đời phát triển phần mềm, xây dựng và duy trì các hệ thống phần mềm chất lượng cao, từ đó dễ dàng đáp ứng các mục tiêu kinh doanh:

  • Nguyên tắc DevOps: Hiểu và triển khai các nguyên tắc DevOps như cộng tác, tự động hóa và cải tiến liên tục để tạo ra môi trường phát triển phần mềm hiệu quả hơn.
  • Công cụ DevOps: Làm quen với các công cụ như quản lý cấu hình, quy trình CI/CD và các giải pháp giám sát để tăng cường khả năng tự động hóa và khả năng hiển thị của quy trình phát triển.
  • Hiểu biết về Cloud Computing: Thành thạo với các dịch vụ đám mây như AWS, Azure, Google Cloud để thiết kế các giải pháp linh hoạt, có khả năng mở rộng và tối ưu chi phí.

Đọc thêm: Mối quan hệ “mật thiết” giữa CI/CD DevOps

Thi các chứng chỉ liên quan

Việc có chứng chỉ thường không bắt buộc, nhưng là cách thể hiện kiến ​​thức và chuyên môn của bạn trong các công nghệ và nền tảng cụ thể, giúp nâng cấp CV của bạn. Hãy cân nhắc theo đuổi các chứng chỉ dưới đây:

  • AWS Certified Solutions Architect – Associate hoặc Microsoft Azure Solutions Architect Expert. 
  • TOGAF (The Open Group Architecture Framework)
  • Certified Information Systems Security Professional (CISSP)
  • Google Professional Cloud Architect 

Ngoài ra, hãy tham dự các sự kiện, hội nghị và hội thảo để cập nhật các xu hướng và công nghệ mới nhất; kết nối với các Solution Architect khác để học hỏi từ kinh nghiệm của họ và xây dựng các mối quan hệ có giá trị.

Phát triển các kỹ năng mềm cần thiết

Lộ trình trở thành Solution Architect không chỉ là sự thành thạo các kỹ năng kỹ thuật. Phát triển các kỹ năng mềm thiết yếu giúp bạn giao tiếp và cộng tác hiệu quả, từng bước trở thành một nhà lãnh đạo toàn diện, có thể hướng dẫn, thúc đẩy và hợp tác với nhiều bên liên quan.

Một số kỹ năng mềm cần thiết dành cho Solution Architect là:

  • Kỹ năng giao tiếp, thuyết trình và thuyết phục: Solution Architect cần giao tiếp tốt để giải thích các khái niệm kỹ thuật phức tạp cho các bên liên quan (từ các developer đến giám đốc điều hành). Ngoài ra, còn cần khả năng thuyết trình tốt để trình bày rõ ràng và thuyết phục các bên liên quan về giá trị của giải pháp đề xuất.
  • Phân tích chuyên sâu và tư duy chiến lược: Solution Architect cần nhạy bén trong việc nhận diện chiến lược, quy trình kinh doanh, phân tích các yêu cầu kỹ thuật từ các phòng ban, từ đó kết nối nhu cầu kinh doanh với giải pháp kỹ thuật phù hợp.
  • Giải quyết vấn đề và tư duy phản biện: Điều này sẽ giúp các Solution Architect dễ dàng phân tích thách thức, xử lý rủi ro linh hoạt, sáng tạo và đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu.
  • Quản lý dự án: Một Solution Architect giỏi cần nắm vững cách lên kế hoạch để hướng đến kết quả kinh doanh, đạt được mục tiêu đã định trong giới hạn về thời gian, chi phí và nguồn lực.
  • Lãnh đạo và làm việc nhóm: Kỹ năng này giúp bạn truyền cảm hứng và hướng dẫn các nhóm, phân công công việc hiệu quả và giải quyết xung đột theo hướng góp ý xây dựng.
  • Đọc hiểu tiếng Anh: Khả năng tiếng Anh tốt giúp Solution Architect tiếp cận tài liệu kỹ thuật, tham gia sự kiện quốc tế và mở rộng mạng lưới, từ đó nâng cao kiến thức chuyên môn.
  • Khả năng thích nghi: Thế giới công nghệ sẽ không ngừng đổi mới, do đó Solution Architect cần học hỏi những kiến thức mới một cách nhanh chóng để điều chỉnh cách tiếp cận khi cần thiết.
  • Chú ý đến chi tiết: Kỹ năng này giúp đảm bảo sản phẩm có chất lượng cao nhất trong từng công đoạn.

Hiểu biết về bảo mật và tuân thủ

Một Solution Architect hiện đại cần hiểu rõ về các nguyên tắc bảo mật, các tiêu chuẩn tuân thủ như GDPR, HIPAA, PCI DSS và các phương pháp bảo mật tốt nhất. Ngoài ra, các kiến thức về quản lý danh tính và truy cập (IAM), mã hóa dữ liệu và các chiến lược phòng chống tấn công mạng giúp bạn thiết kế các hệ thống an toàn và bảo vệ dữ liệu quan trọng của tổ chức.

Tham gia dự án thực tế

Để phát triển tư duy và kinh nghiệm, bạn cần thực hiện các dự án thực tế để áp dụng các kiến thức lý thuyết về kiến trúc phần mềm vào bối cảnh cụ thể, đối mặt với những thách thức và ràng buộc thực tế của dự án. Khi đó, bạn mới rèn luyện được khả năng phân tích yêu cầu, thiết kế giải pháp, và phối hợp với các bên liên quan khác nhau, tích lũy những bài học về quản lý rủi ro, tối ưu hóa hiệu suất và đảm bảo tính khả thi của giải pháp. 

Ngoài ra, thông qua đó bạn có cơ hội xây dựng portfolio và học hỏi từ các Architect giàu kinh nghiệm khác.

Các khóa học chuyên nghiệp phát triển kỹ năng Solution Architect

  • Ultimate AWS Certified Solutions Architect Associate 2025 – Hơn 800 slide có sẵn dưới dạng PDF có thể tải xuống về các nguyên tắc cơ bản của AWS (EC2, ELB, ASG, RDS, ElastiCache, S3), phân tích hơn 10 kiến trúc giải pháp, bài kiểm tra thực hành, thực hiện trên AWS, những điều cơ bản về Serverless (Lambda, DynamoDB, Cognito, API Gateway)… Cuối cùng, người học làm bài kiểm tra để đạt chứng chỉ AWS Certified Solutions Architect Associate.
  • How To Become An Outstanding Solution Architect – Hướng dẫn tất cả kỹ năng kỹ thuật và kỹ năng mềm để nâng cao trình độ thiết kế kiến trúc cho Solution Architect.
  • Master in Solution Architect – Học về thiết kế hệ thống, lựa chọn công nghệ… từ Accenture, Infosys… để trở thành Solution Architect thành công.
  • Practice Exams | AWS Certified Solutions Architect Associate – Khóa học giúp bạn chuẩn bị cho kỳ thi SAA-C03 với 390 câu hỏi thực hành chất lượng cao được biên soạn từ đầu với lời giải thích chi tiết.
  • Practical Solution Architect – Các phương pháp thực tế để tạo ra các kiến ​​trúc giải pháp toàn diện cho công ty của bạn.
  • Mastering Solution Architect – Xác định vai trò và trách nhiệm của Solution Architect, các phương pháp hay nhất để thiết kế các giải pháp kỹ thuật cho các vấn đề của khách hàng, tìm hiểu công cụ và framework để trở thành một Solution Architect hiệu quả, ví dụ thực tế và nghiên cứu tình huống.

Lộ trình thăng tiến của Solution Architect

Khi đã nắm vững các kiến thức, kỹ năng cần có của một Solution Architect, bạn có thể tìm hiểu tiếp về nhiệm vụ, vai trò của Solution Architect ở từng cấp độ để xây dựng một lộ trình phát triển tốt nhất: 

  • Junior Solution Architect: Ở giai đoạn này, các chuyên gia tập trung vào việc tìm hiểu về mục tiêu kinh doanh và hỗ trợ kiến ​​trúc sư cấp cao phát triển kiến ​​trúc giải pháp.
  • Solution Architect: Giám sát việc phát triển và triển khai các giải pháp kỹ thuật phù hợp với các mục tiêu kinh doanh.
  • Senior Solution Architect: Bắt đầu tham gia vào việc xây dựng chiến lược công nghệ của công ty, làm việc chặt chẽ với ban quản lý cấp cao và tư vấn các quyết định kỹ thuật quan trọng.
  • Principal Solution Architect: Ở cấp độ này, trách nhiệm tăng lên bao gồm quản lý rủi ro, giám sát bộ phận công nghệ và điều chỉnh các chiến lược kỹ thuật phù hợp với mục tiêu của công ty.
  • Chief Solution Architect: Đây là vị trí cao nhất, có trách nhiệm bao quát đối với mọi khía cạnh kỹ thuật của công ty, định hình chiến lược, giám sát việc phát triển giải pháp và định hướng sự tăng trưởng ổn định.

Mỗi giai đoạn đều đòi hỏi sự kết hợp giữa hiểu biết kỹ thuật, kỹ năng lãnh đạo và tầm nhìn chiến lược, do đó để đạt đến vị trí Solution Architect cấp cao, bạn cần phát triển song song các kỹ năng này. 

Ngoài ra các Solution Architect còn có thể phát triển theo các hướng chuyên môn hơn như:

  • Operational Solution Architect: Tham gia vào các hoạt động vận hành hàng ngày của công ty, tối ưu hóa các giải pháp kỹ thuật và hỗ trợ các giám đốc chức năng nâng cao hiệu quả hoạt động.
  • Strategic Solution Architect: Lập kế hoạch công nghệ dài hạn, chiến lược tăng trưởng, sáp nhập và mua lại công nghệ, chuyển đổi kỹ thuật số. Đây là những người có tầm nhìn xa, vạch ra bối cảnh công nghệ tương lai của công ty.
  • Risk Management Solution Architect: Tập trung xác định, đánh giá và lập kế hoạch cho mọi rủi ro kỹ thuật đối với công ty, đặc biệt quan trọng trong các lĩnh vực như ngân hàng hoặc bảo hiểm.
  • Transformational Solution Architect: Tập trung vào quản lý thay đổi và giám sát các khía cạnh kỹ thuật của quá trình chuyển đổi kinh doanh, từ áp dụng công nghệ mới, tái cấu trúc đến chuyển sang mô hình kinh doanh mới.
  • Startup Solution Architect: Trong môi trường khởi nghiệp đầy biến động, họ không chỉ quản lý hệ thống công nghệ mà còn tham gia hỗ trợ vận hành, gây quỹ và thậm chí cả hoạt động tiếp thị, nhằm đáp ứng sự tăng trưởng nhanh và nhu cầu liên tục thay đổi.
  • Compliance-focused Solution Architect: Đảm bảo rằng các hoạt động kỹ thuật của công ty tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn của địa phương, quốc gia và quốc tế.
  • Security Solution Architect: Chuyên về thiết kế các giải pháp với trọng tâm là bảo mật, quản lý rủi ro và bảo vệ dữ liệu, đặc biệt quan trọng trong các ngành tài chính, y tế và chính phủ.
  • Enterprise Solution Architect: Tập trung vào các giải pháp quy mô lớn cho toàn doanh nghiệp, phối hợp nhiều hệ thống và đảm bảo tính nhất quán của kiến trúc tổng thể.

Câu hỏi thường gặp về lộ trình Solution Architect roadmap

Solution Architect có phải một công việc tốt không?

Solution Architect là đỉnh cao trong sự nghiệp lãnh đạo kỹ thuật, tác động trực tiếp đến quỹ đạo công nghệ của doanh nghiệp, được làm việc với các giám đốc điều hành khác nhằm định hình hướng đi chung của doanh nghiệp. Với vai trò quan trọng đó, Solution Architect là vị trí có mức lương hấp dẫn và cơ hội phát triển cả tư duy chiến lược, năng lực kỹ thuật và khả năng lãnh đạo. 

Vị trí này cũng mang lại cơ hội phát triển dài hạn trong sự nghiệp IT, với khả năng tiến tới các vị trí CTO hoặc các vị trí lãnh đạo công nghệ cấp cao khác. Tuy nhiên, đi kèm với những cơ hội ấy là yêu cầu học hỏi không ngừng để theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, cùng khả năng cân bằng linh hoạt giữa các ưu tiên kỹ thuật và kinh doanh.

Mức lương Solution Architect như thế nào?

Theo Zippia, mức lương trung bình của Solution Architect tại Hoa Kỳ thường dao động từ 87.000 đến 154.000 USD/ năm. Thu nhập của Solution Architect bị ảnh hưởng bởi trình độ học vấn, kinh nghiệm, quy mô công ty và ngành nghề cụ thể. Các Solution Architect làm việc trong các ngành như tài chính, y tế và công nghệ thường có mức lương cao hơn so với các ngành khác.

Cơ hội nghề nghiệp Solution Architect tại Việt Nam được đánh giá cao, đi kèm với mức thu nhập cạnh tranh. Dữ liệu từ ITviec cho thấy, người có 1-2 năm kinh nghiệm có thể đạt mức lương từ 42,8 đến 90,5 triệu đồng. Với kinh nghiệm trên 8 năm, khoảng lương dao động từ 63,7 đến 109,2 triệu đồng. 

Bên cạnh đó, tiềm năng tăng lương cho vị trí này cũng rất đáng chú ý, đặc biệt với những người có ít kinh nghiệm. Cụ thể 18,3% cho công việc mới, 9,3% tại vị trí hiện tại. Đối với những người dày dặn kinh nghiệm (trên 8 năm), con số này lần lượt là 23,8% và 7,8%..

Mức lương trung bình của Solution Architect tại Việt Nam có thể thấp hơn so với thị trường quốc tế, nhưng đang có xu hướng tăng nhanh do nhu cầu cao về chuyên gia có kỹ năng này trong quá trình chuyển đổi số của nhiều doanh nghiệp và tổ chức.

Những cuốn sách hay nhất về Solution Architect?

  • Clean Architecture: A Craftsman’s Guide to Software Structure and Design (Robert C. Martin): Một tác phẩm kinh điển về các nguyên tắc thiết kế phần mềm bền vững, hướng dẫn cách xây dựng kiến trúc linh hoạt, dễ bảo trì và dễ mở rộng.
  • Technology Strategy Patterns: Architecture as Strategy (Eben Hewitt): Kết hợp kiến thức về chiến lược kinh doanh và kiến trúc kỹ thuật, cuốn sách này giúp các Solution Architect hiểu cách xây dựng các chiến lược công nghệ phù hợp với mục tiêu kinh doanh. 
  • Building and Scaling High-Performing Technology Organizations (Nicole Forsgren, Jez Humble và Gene Kim): Cuốn sách bác bỏ quan niệm rằng tốc độ và tính ổn định là hai mặt đối lập, và chỉ ra rằng đó là những khái niệm đan xen: Sự thay đổi nhanh chóng với thực hành đúng đắn thực chất sẽ tạo nên một sự ổn định mới. Dựa trên tinh thần của Agile Manifesto và triết lý DevOps, cuốn sách mang đến cái nhìn sâu rộng và những ví dụ thực tiễn từ các nhà lãnh đạo công nghệ hàng đầu.
  • Chaos Engineering – System Resiliency in Practice (Casey Rosenthal, Norah Jones, Nathan Aschbacher): Khai thác các ví dụ thực tế về kỹ thuật hỗn loạn, không chỉ trong lĩnh vực công nghệ mà còn ở các ngành ít ai ngờ tới như ngân hàng, giúp bạn hiểu cách xây dựng hệ thống bền vững thông qua việc chủ động thử nghiệm và kiểm soát sự cố.
  • Team Topologies – Organizing Business and Technology Teams for Fast Flow (Matthew Skelton và Manuel Prais): Cẩm nang thiết yếu về cách tổ chức các nhóm kinh doanh và công nghệ để đạt được tốc độ và hiệu quả cao trong phát triển phần mềm. Cuốn sách giới thiệu những mô hình nhóm hiệu quả, các mẫu tương tác tối ưu và cách thiết kế kiến trúc hệ thống phù hợp với cấu trúc tổ chức.
  • Monolith to Microservice (Sam Newman): Một hướng dẫn thực tiễn cho hành trình gỡ rối các hệ thống cũ. Cuốn sách cung cấp các trường hợp sử dụng điển hình cùng những công thức tổ chức và kỹ thuật rõ ràng, trung lập, giúp bạn tháo gỡ và hiện đại hóa hệ thống cũ một cách bài bản.
  • The Site Reliability Workbook – Practical Ways to Implement SRE (Betsy Beyer, Niall Richard Murphy, David R. Rensin, Kent Kawahara và Stephen Thorne): Tập hợp các hướng dẫn thực tế, case study và kỹ thuật cụ thể để triển khai Site Reliability Engineering (SRE), giúp đội ngũ vận hành và phát triển xây dựng hệ thống ổn định, đáng tin cậy hơn.

Để trở thành Solution Architect có cần học đại học không?

Theo báo cáo mới nhất của ITviec, có 7,1% Solution Architect có trình độ cao đẳng, 71,4% có trình độ cử nhân đại học, 14,3% là thạc sĩ và 7,2% có trình độ học vấn khác. 

Mặc dù bằng đại học là con đường phổ biến, nhưng kinh nghiệm thực tế và các chứng chỉ chuyên môn đôi khi có thể thay thế cho bằng cấp truyền thống. Nhiều Solution Architect thành công đã chứng minh rằng, học tập liên tục và phát triển kỹ năng có thể quan trọng hơn bằng cấp chính thức. Tuy nhiên, bằng đại học vẫn giúp xây dựng nền tảng kiến thức vững chắc và mở ra nhiều cơ hội việc làm hơn.

Solution Architect có cần biết code không?

Solution Architect không nhất thiết phải là một lập trình viên giỏi nhất hay tham gia viết code hàng ngày, tuy nhiên hiểu biết về code vẫn rất hữu ích. 

  • Việc nắm vững các nguyên tắc lập trình và có kinh nghiệm coding giúp Solution Architect giao tiếp hiệu quả hơn với đội ngũ phát triển, hiểu rõ những giới hạn và khả năng của công nghệ, từ đó đưa ra các quyết định thiết kế thực tế và khả thi. 
  • Kinh nghiệm lập trình cũng giúp Solution Architect đánh giá chính xác về thời gian triển khai, xác định các trở ngại tiềm ẩn và tạo ra các proof-of-concept (POC) khi cần thiết. 

Tuy nhiên, so với coding, yêu cầu quan trọng hơn cả đối với Solution Architect là khả năng hiểu và phân tích các hệ thống phức tạp, cùng với khả năng nhìn nhận vấn đề từ góc độ kinh doanh và kỹ thuật.

Sự khác biệt giữa Solution Architect và các vai trò Architect khác là gì?

Solution Architect tập trung vào việc thiết kế và triển khai các giải pháp cụ thể để đáp ứng nhu cầu kinh doanh, trong khi các vị trí khác như Enterprise Architect có cái nhìn tổng thể hơn về toàn bộ cơ sở hạ tầng công nghệ của tổ chức; Technical Architect chuyên sâu vào các khía cạnh kỹ thuật của giải pháp như nền tảng, framework và ngôn ngữ lập trình; Domain Architect tập trung vào một lĩnh vực cụ thể như bảo mật, dữ liệu hoặc ứng dụng.

Mỗi vai trò đều có tầm quan trọng riêng và thường làm việc cùng nhau để đảm bảo rằng chiến lược công nghệ của tổ chức được thực hiện một cách nhất quán và hiệu quả.

Tổng kết lộ trình Solution Architect roadmap

Là những người chịu trách nhiệm thiết kế, xây dựng và triển khai các giải pháp công nghệ phức tạp, đáp ứng nhu cầu kinh doanh, Solution Architect luôn là vị trí được doanh nghiệp “săn đón” và chuyên gia IT hướng đến. Việc nắm vững lộ trình Solution Architect roadmap chi tiết ITviec vừa chia sẻ sẽ giúp những ai mong muốn theo đuổi sự nghiệp Solution Architect có một định hướng rõ ràng, từng bước chinh phục mục tiêu của mình.

TÁC GIẢ
Hà My
Hà My

Senior Content Writer

Với hơn 2 năm làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, My dành nhiều thời gian nghiên cứu, phỏng vấn các chuyên gia IT trong các lĩnh vực Digital, Software Development, Game… Niềm đam mê của My không chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu về những xu hướng mới như UX/UI Design hay các công nghệ tiên tiến như AI, ChatGPT, mà còn nghiên cứu những kiến thức nền tảng mà mọi kỹ sư công nghệ thông tin cần am hiểu. Bạn có thể tìm thấy ở các bài viết của My những thông tin đa dạng về Mobile app, Interface, Feature, Framework, Database… cũng như tìm hiểu công nghệ, công cụ nền tảng trong ngành IT.